Nói một cách công bằng, nhựa là một trong những phát minh quan trọng đối với con người. Nhưng cái cách con người lạm dụng nhựa quá nhiều, xử lý rác không tốt và thói quen xả rác bừa bãi đã biến nhựa trở thành một thảm họa cho môi trường và hệ sinh thái.
Mới đây, một trung tâm bảo tồn tự nhiên tại Florida đã chia sẻ bằng chứng mới nhất cho thấy nhựa đang trở thành thảm họa kinh khủng như thế nào. Bức ảnh về xác của một chú rùa biển con, chết vì nuốt phải hơn 100 mảnh nhựa nhỏ. Và chúng đến từ những mẩu rác nhựa to hơn bị phân hủy theo thời gian, tạo thành các mảnh nhựa siêu nhỏ – được gọi là vi nhựa.
Bức ảnh do Trung tâm thiên nhiên Gumbo Limbo tại Boca Raton, hạt Palm Beach (Hoa Kỳ) đăng tải, với tựa đề “mùa trôi dạt” (washback season).
Đây vốn là một thuật ngữ chỉ thời điểm những con rùa nhỏ bị sóng và gió mạnh cuốn dạt vào bờ tại bờ Đông Hoa Kỳ. Ở những thời điểm này, Whitney Crowder – chuyên gia tái định cư cho rùa biển đã thường xuyên kiểm tra các bãi biển để trợ giúp rùa kịp thời.
“Những con rùa nhỏ và yếu ớt bị dạt vào bờ cần chúng tôi trợ giúp. Nhưng thật không may, không phải con nào cũng có thể sống sót. Và 100% những con rùa thiệt mạng sau khi dạt bờ, chúng đều có nhựa trong ruột.”
Con rùa ở trên là một trong số đó, và ruột của nó chứa tới 104 hạt nhựa. Được biết, giai đoạn tháng 10 là thời điểm rùa sinh sản. Những con rùa non sẽ theo dòng hải lưu bơi ra biển, sau đó bị thổi ngược về bờ. Dòng hải lưu mạnh giống như một thỏi nam châm cuốn theo rác – bao gồm cả các hạt vi nhựa.
Dù vậy, tỷ lệ rùa chết vào năm 2019 là thực sự cao.
“Năm nay chúng tôi ghi nhận hơn 120 trường hợp dạt bờ, và 40 đã chết,” – Crowder chia sẻ. “Tất cả những con rùa được khám nghiệm tử thi đều có chứa hạt nhựa trong cơ thể.”
Ô nhiễm nhựa hiện đang là một vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với đại dương. Vì ô nhiễm nhựa, các khu vực duyên hải ven biển – vốn là nơi tụ tập của các loài vật như rùa – đang khiến các trung tâm bảo tồn trở nên bận rộn hơn.
Về cơ bản, một con rùa đập vỏ trứng ra đời là một quá trình hết sức khắc nghiệt. Ra được khỏi tổ, chúng sẽ phải cố gắng đến tuyệt vọng để chui được xuống nước với những kẻ săn mồi từ dưới nước đến trên cạn. Tỷ lệ rùa con sống sót chỉ rơi vào khoảng… 1 phần ngàn, thậm chí là 1 phần vạn. Vậy mà nay, những con rùa may mắn tồn tại được còn phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa nữa.
Rác nhựa trên biển cũng không chỉ giới hạn ở chai nhựa, túi nhựa. Như năm 2018, người ta tìm thấy xác của một con rùa biển dạt bờ, trong tình trạng mắc kẹt vào chiếc ghế nhựa – loại vẫn được dùng trên các bãi biển.
“Tôi nghĩ đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho con người, về trách nhiệm của chúng ta với nhựa.” – Crowder thẳng thắn nói. “Ô nhiễm nhựa là một thực tế đáng buồn trên thế giới mà chúng ta đang sống. Chúng ta cần phải giải quyết nó một cách tốt hơn.”
Tham khảo: IFL Science