Phát hiện thành phố 5.000 tuổi khi đào đường

0
24

Khi đào đường để xây một cao tốc ở miền bắc Israel, các công nhân xây dựng tình cờ phát hiện thấy tàn tích của một thành phố 5.000 năm tuổi.

Ảnh: IAA.

Theo Gizmodo, đô thị cổ đại này nằm gần thành phố Harish, thuộc khu Haifa. Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) đã tổ chức khai quật liên tục trong 2,5 năm với sự hỗ trợ của gần 5.000 tình nguyện viên người Do Thái và Ả Rập. Phát hiện này cung cấp thêm thông tin về nền văn minh xa xưa của khu vực Trung Đông.

Địa điểm này được đặt tên là En Esur. Theo ước tính của các nhà khảo cổ, thành phố có dân số khoảng 5.000 đến 6.000 người, phát triển trong thời đại đồ đồng ban đầu, cách đây khoảng 5.000 năm.

Thành phố 5.000 tuổi được phát hiện nhờ công trình xây dựng nút giao thông trên cao tốc. Ảnh: IAA.
Điều đáng ngạc nhiên là thành phố cổ này có quy hoạch hoàn chỉnh và hiện đại, bao gồm các con đường, ngõ hẻm, khu dân cư, nơi sinh hoạt cộng đồng và hệ thống công sự dùng vào việc phòng thủ.

Ước tính thành phố này có diện tích khoảng 652.000 m2, gấp đôi một số di tích khảo cổ tương tự đã được phát hiện trước đây.

“Đây là thành phố lớn, một đại đô thị trong thời kỳ đồ đồng ban đầu, nơi hàng nghìn cư dân làm nông nghiệp, sinh sống và buôn bán với những vùng khác nhau và thậm chí với các nền văn hóa và vương quốc khác nhau trong khu vực”, IAA mô tả.

Nhiều thành phố lớn cổ xưa hơn từng được tìm thấy, ví dụ như Çesterhöyük 9.000 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ, có dân số 3.000-8.000 người. Nhưng En Esur là thành phố lớn nhất, xuất hiện sớm nhất tại Israel và các vùng lân cận.

Nhiều vật dụng có giá trị nghiên cứu cao đã được phát hiện tại  En Esur. Ảnh: IAA.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện một ngôi đền dùng làm nơi tổ chức các nghi lễ cổ xưa, bao gồm cả hiến tế động vật. Họ phát hiện cả những mẫu xương bị cháy còn sót lại sau 5.000 năm.

Theo thông cáo báo chí, đoàn khảo cổ đã tìm thấy nhiều vật dụng có giá trị nghiên cứu như các mảnh gốm, dụng cụ tạo ra lửa, chậu đựng nước làm từ đá bazan.

Những dấu hiệu cho thấy sự tổ chức và quản lý quy cũ chứng tỏ thành phố này được cai trị bởi giai cấp cầm quyền. “Thành phố không thể phát triển mà không có bàn tay chỉ đạo và cơ chế hành chính”, đại diện IAA cho biết thêm.


Với tầm quan trọng của di tích vừa phát hiện, chính quyền Israel quyết định dời nút giao thông của đường cao tốc sang vị trí lân cận, tạo điều kiện bảo tồn thành phố có từ 5.000 năm trước.