THIỆN LÀNH LÀ LỰA CHỌN SỐNG

0
48

Trong cuộc đời mỗi người, chúng ta luôn có những lựa chọn sống. Trong cùng một hoàn cảnh bị cuộc sống xô đẩy mà một người đã sống theo cách này (khá ổn), người kia lại sống theo cách khác (bất ổn). Sự lựa chọn ấy ngoài phước duyên đời trước thì còn là nỗ lực hiện tại, quan trọng và quyết định!

Nguyện làm điều lành, nguyện tránh điều dữ

Đây là hai lời nguyện căn bản của người Phật tử bắt đầu học Phật, phát nguyện quy y Tam bảo và được chư tôn đức dặn: “Hãy nhớ nguyện làm tất cả việc lành, nguyện đoạn tất cả việc ác, lời chư Phật dạy không ngoài điều đó”.

Đoạn ác, làm lành với người con Phật phải được thực hành trên cả ba phương diện: ý, khẩu, thân. Có nhiều người tuy không nói gì ác nhưng tâm ý nghĩ điều không lành, khi nghe người mình không thích gặp sự cố thì sanh tâm vui mừng, hoặc luôn ganh ghét với thành quả người khác, dù sự ghét ganh đó chỉ là ôm ấp trong lòng. Có người miệng cứ hay nói điều thô ác nhưng biện minh “tôi khẩu xà tâm Phật, đỡ hơn mấy người khẩu Phật tâm xà”. Dù là khẩu xà hay tâm xà thì thực ra cũng đều không tốt, vì đều là những sự tạo tác đưa tới bất an.

Con người ta thường ít nhận ra, chỉ cần một niệm xấu khởi lên, một lời nói không lành đã có thể mang tới điều không hay cho tự thân (trước tiên), vì mình vừa gieo nhân và tạo duyên xấu. Nhân đó, duyên đó sẽ đưa quả tương ưng (xấu). Do vậy, hại người hay muốn hại người chính là một cách tự hại mà người thấu rõ nhân-duyên-quả sẽ rất sợ, sống đúng tinh thần “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.

Hung hăng và giành giật, cố đoạt, cố để được một vị trí nào đó trong khi bản thân không đủ đức và tài – chính là một cách tự hại. Trong cuộc sống không thiếu những người thích quyền chức nhưng lại không đủ bản lĩnh để sử dụng quyền mình đang nắm, làm sanh sôi điều tốt đẹp, ngược lại lạm quyền, hành xử sai trái, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho đất nước mà còn cho tự thân. Vài năm qua, câu chuyện “vào lò” của quan chức đương nhiệm đến các cựu quan chức cấp cao ở Trung ương, tỉnh thành… chính là bài học về việc lạm quyền, gây tạo điều bất thiện phải nhận hậu quả hiện tiền.

Làm quan vì thế, nếu được trang bị tinh thần “lợi mình, lợi người”, vừa hưng gia lẫn hưng quốc, lấy mục đích lợi dân ích nước làm đầu, xem đó là điều thiện để phấn đấu thì chắc chắn bảo hộ mình an toàn, không những không mất ghế hay phải bị vào “lò” mà còn được dân tôn kínhphụng thờ.

Có rất nhiều quốc giathể chế chính trị đã chọn Phật giáo làm quốc giáo, trong đó người đứng đầu đất nước cũng sống trong tinh thần lời Phật dạy, tạo nên những thời kỳ thịnh trịkiến tạo một quốc gia hạnh phúc, cân bằng. Ngày nay, thế giới nhìn về Bhutan, một đất nước Phật giáo mà ở đó, vị vua đương trị vì đã lĩnh hội lời Phật dạy làm đạo lý an dân. Từ con người đến cái cây, ngọn cỏ đều được tôn trọng trong cái thấy “nương nhau biểu hiện”. Ở đó, chính phủ không lấy tổng thu nhập quốc dân làm thước đo của sự phát triển mà thước đo phải là HẠNH PHÚC. Nước ta, thời Lý – Trần cũng là triều đại Phật giáo là quốc giáo, sử sách ghi nhận, người dân sống hiền hòa, khi có ngoại xâm thì không thiếu người tài giúp nước, đánh bại đạo quân Nguyên-Mông mạnh nhất lúc bấy giờ. Vị vua của nhà Trần trở thành vị Phật của Việt Nam được tôn thờ đến nay – hơn 700 năm – chính là Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. Mấy ai lãnh đạo đất nước được vậy nếu không phải là người sống theo con đường của Đức Phật, trong tinh thần lời Phật dạy?

Thực ra, chọn buông bỏ những cái thường tình thế tục để sống theo nếp sống cao thượng, không làm được việc lớn lao thì sống an hòa với bản thân, ít muốn biết đủ, chỉ đơn giản như thế cũng đã tạo nên một con người có phẩm chất tốt đẹp rồi. Đâu cần gì cao siêu?

Xử lý những bất ổn

Con người hiện đại có kha khá bất ổn. Hiện tượng tự hoại, tự kết liễu sự sống của chính mình trở thành hiểm họa của con người. Trong kinh Dược Sư, Phật dạy đó là một trong những hoạnh tử (chết oan), khó siêu thoát. Trong nhà Phật xem hành vi tự sát là tội sát sanh (giết người), đối với cha mẹ thì người đó mang tội bất hiếu, một trong những trọng tội.

Thế nhưng, vì nhiều áp lực khác nhau, không thể kiểm soát nổi hoặc không xử lý tốt nên những người trẻ đã chọn “giải thoát” bằng cách tự sát. Năm qua, báo giới cũng ghi nhận nhiều vụ tự tử của các ngôi sao, đặc biệt là Hàn Quốc. Họ còn trẻ, họ nổi tiếng, họ xinh đẹp, tài năng… nhưng rồi, phía sau hào quang chính là một kết cuộc buồn, gây tổn thương cho số đông người hâm mộ.

Cũng có những người trẻ, tài năng phí sức vào công việc, không cân đối được cuộc sống dẫn tới suy kiệt và đột tử ở tuổi hai mươi mấy, ba mươi, ba mấy… Đây cũng là một hiện thực đáng suy ngẫm. Tiền nhiều để làm gì, hay làm nhiều để làm gì khi rốt cuộc là cái chết bất ngờ, gây đau đớn, để lại khoảng trống trong lòng người thân thương? Bất thiện nhiều khi vi tế ở chỗ mà ta nghĩ là mình đang nỗ lực, đang cố gắng cống hiến, ở chỗ ta mặc vào sự tham cầu, không biết dừng biết đủ của bản thân quá nhiều chiếc áo đẹp đẽhay ho.

Không kềm chế được ham muốn danh vọngđịa vị, không biết dừng, biết đủ chính là nguyên nhân dẫn tới bất ổn hoặc tạo ra hậu quả nghiêm trọng, mà nghiêm trọng nhất chính là “trả giá” bằng sự sống của bản thân. Trong tư duy sống phải biết thụ hưởng, nhiều người trẻ còn lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng ở các tụ điểm vui chơigiải trí chứa nhiều nguy cơ; sử dụng các chất gây nghiện tạo nên những cơn “điên đảo mộng tưởng” rồi gây hại cho người, cho mình. Có thể sau cơn say rượu, say thuốc là đua xe gây tai nạn, là lao vào thú vui xác thịt, phạm tội tà dâm, cả về đạo đức lẫn pháp luật đều không dung thứ.

Những bản tin như thế trên mặt báo, mạng xã hội không hiếm. Thậm chí đó được xem là những bản tin “hot” được khai thác quá mức, phần nào đã tưới tẩm thêm nơi lòng người những hạt giống xấu tương tự. ThS.Lê Minh Huân, giảng viên Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TP.HCM có lần bày tỏ quan ngại với người viết rằng, truyền thông đã tạo một gạch nối cho cái ác phát triển, khi đã nói quá kỹ, quá sâu, quá dày về cái ác, về tội phạm. Điều ThS.Huân băn khoăn cũng là điều đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt ra trong bài thơ Tin vui:

 
Những tin vui
Báo người ta không chịu in, chịu nói
Nhưng trong báo chúng tôi
Mỗi ngày chúng tôi vẫn thường chuyên môn đưa tin vui
Mỗi buổi sáng tinh sương
Chúng tôi thường ra bản in đặc biệt
Và chúng tôi rất cần bạn đọc
Đọc để mà biết
Những gì đang thực sự xảy ra
Tin vui là bạn còn sống
Và cây xoan ngoài ngõ đã ra hoa.
Cây xoan ấy
Bạn thấy không
Đã can trường đứng vững
Suốt cả một mùa đông băng giá.
Tin vui là mắt bạn còn sáng, còn tốt
Và bạn còn có thì giờ để ngắm trời xanh
Em bé xinh tươi đang đứng trước mặt bạn
Đôi mắt long lanh
Bạn có thể mở rộng hai cánh tay
Ôm em bé vào lòng.
Họ chỉ in những tin giật gân
Họ chỉ in những tin sầu đau, tiêu cực
Hãy cầm thử tờ báo của chúng tôi lên xem
Ấn bản nào cũng đầy những tin lành, những tin vui,
những tin tích cực
Bởi vì chúng tôi muốn bạn luôn luôn thừa hưởng được
Và góp sức vào gìn giữ hạnh phúc chung.
Một bông trà mi vừa nở phía ngoài tường
Bông hoa đang mỉm một nụ cười
Rất ư mầu nhiệm
Bông hoa đang hát ca bài hát bản môn
Bài hát thiên thu tuyệt vời
Có tai và có tâm
Thế nào bạn cũng nghe được
Chúng ta hãy chắp tay và cúi đầu
Để nghe tiếng hát ấy.
Hãy bỏ lại phía sau lưng những sầu đau
Những vướng bận
Hãy đi lên như một con người tự do.
Tin vui nhất vừa mới đến
Là bạn có tính Bụt trong lòng
Hạnh phúc
Vững chãi
Và thảnh thơi
Là những gì bạn và tôi
Đều có thể làm ra được.

Vâng, “hãy bỏ lại phía sau lưng những sầu đau”. Vì quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hiện tại đang là mới là mầu nhiệm, đáng sống, cần được ta sống với. Muốn làm được điều này, bạn trẻ hãy thử gác bỏ công việc lại, hãy thử đi đâu đótự do thở, cười. Đó có thể là một khóa thiền và nên là một khóa thiền để hiểu rõ, mình đang là ai, mình cần gì và nên làm gì để bình anhạnh phúc. Làm vậy chính là lựa chọn sống thiện lành, mới nghe có vẻ như là chạy trốn nhưng thực ra là tìm về – với cái chân tâm: là bạn có tính Bụt trong lòng.

Đức Dalai Lama thứ 14 từng ngạc nhiên về con người rằng: họ đã đổ thật nhiều sức khỏe để mong kiếm thật nhiều tiền, rồi sau đó dùng thật nhiều tiền để mong có lại chút sức khỏe. Suy ngẫm về điều ngài nói, ta có thể nghĩ về hạnh phúc, đó thực ra không phải là đích đến mà là con đường. Làm sao mỗi ngày, làm gì cũng được, phải có niềm vui chân thậtbình an tự tâm, cân bằng mọi thứ để biết tôi đang sống và cuối ngày đọc thiền ngữ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi không ngủ mơ đâu, ngày hôm nay đẹp lắm thật mà!


Kính mời quý khán giả đón xem đài truyền hình IBC TV:

– Trên băng tần 14.7 & 18.12 tại miền Nam California

– Trên băng tần 16.12 tại miền Bắc California

– Trên hệ thống vệ tinh Galaxy 19 tại các tiểu bang Hoa Kỳ và Canada

* IBC trực tiếp toàn cầu: https://ibctv.us/

* Tâm ca đạo hiếu

* Pháp Âm

* Hoa Sen Việt – Kết nối từ tâm