Top 3 sản phẩm thành công trên sóng Shark Tank Mỹ nhưng về Việt Nam chắc chẳng ai mua

0
198
Bên cạnh những dự án sáng tạo và và đột phá, Shark Tank phiên bản Mỹ còn mang đến cho người xem nhiều sản phẩm bất ngờ và thậm chí bị các Shark “cười vào mặt”. Tuy nhiên đây thực sự lại là những thương vụ thành công, mang về doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế của Mỹ dành cho giới đầu tư, khởi nghiệp. Được sản xuất bởi Mark Burnett dựa theo chương trình “Dragons’ Den” của Nhật Bản, Shark Tank thành công tại nhiều nước trên thế giới và hiện tại đã có 40 phiên bản, bao gồm cả Việt Nam.

Photo https://techcrunch.com/

Không chỉ hấp dẫn bởi những màn thuyết trình – tranh biện nảy lửa giữa startup và Shark, chương trình còn gây ấn tượng bởi chính những sản phẩm mà các startup mang đến. Tuy nhiên vì sự khác biệt trong văn hóa và lối sống, có nhiều sản phẩm sẽ chỉ thành công tại thị trường này nhưng chưa chắc sẽ khả thi tại thị trường khác.

Dưới đây là top 3 sản phẩm rất thành công tại Shark Tank Mỹ nhưng khả năng kinh doanh tại Việt Nam lại là một dấu hỏi lớn.

1. Bưu thiếp khoai tây

Đúng như tên gọi, Potato Parcel bán một mặt hàng vô cùng độc đáo, đó là những củ khoai tây với thông điệp ngắn được viết bằng tay. Giá mỗi sản phẩm khoảng 9,99 USD, tương đương với 200 nghìn đồng. Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn dạng Potato Pal –củ khoai tây với một bức ảnh chân dung người nhận đi kèm, và mức giá là 14,99 USD.

Ngay khi nghe về sản phẩm này, tỷ phú Mark Cuban thẳng thắn nhận định: “Đó chỉ là một sự vụ ngu ngốc”. Còn nhà đầu tư Lori Greiner cho rằng: “Việc coi công ty này giống như một thương vụ đầu tư nghiêm túc quả thực là rất điên rồ”.

Tuy nhiên trái với nhận định của 2 nhà đầu tư trên, Potata Parcel nhận tới 2 đề nghị rót vốn. Sau cùng họ chốt thương vụ với Shark Kevin O’Leary ở mức 50.000 USD cho 10% cổ phần, kèm theo điều kiện về phí bản quyền.

Vào tháng 1/2018, Shark O’Leary chia sẻ với tạp chí The New York Times rằng Potato Parcel là một trong 5 ‘món đầu tư’ mà ông yêu thích nhất từ chương trình Shark Tank. Còn theo CNBC, kể từ khi lên sóng đến thời điểm 2018, startup này đã bán được hơn 70.000 sản phẩm, doanh thu trung bình mỗi năm lên tới 6 chữ số.

2. Miếng giữ mắt kính trên quần áo

Trong Shark Tank mùa 3, nhà sáng lập Rick Hopper của ReadeRest đã có “cù vồ ếch”ngã trước mặt các “cá mập”. Tuy nhiên, đây thực ra là một chiêu trò Rick dùng để minh họa cho sản phẩm của mình – chiếc ghim từ dùng để gắn kính đọc sách lên người.

Ý tường về sản phẩm ra đời vào năm 2010 sau khi Rick bước sang tuổi 40, ông bắt đầu phải đeo kính nhưng thường xuyên làm rơi hoặc mất. Từ đó Rick nghĩ về một giải pháp để giải quyết vấn đề cho những người phải đeo kính như mình.

Tại mùa 3 của Shark Tank Mỹ, Shark Lori Greiner đã đầu tư 150.000 USD để có 65% cổ phần công ty. Đúng như dự đoán của Greiner, ReadeRest là sản phẩm hấp dẫn trong chương trình bán hàng của QVC. Đầu năm 2014, Rick cho biết doanh thu của công ty đạt 8 triệu USD kể từ khi xuất hiện trên Shark Tank.

Đến nay ReadeRest vẫn là sản phẩm bán chạy trên Amazon với điểm số trung bình khách hàng đánh giá là 4,7/5. Thay vì chỉ để giữ mắt kính như thiết kế ban đầu, website chính của công ty cũng cho biết sản phẩm có thể dùng để giữ dây tai nghe hoặc các loại thẻ ra vào. Tuy nhiên, mức giá của sản phẩm này không rẻ chút nào, dao động từ 10$ – 14$.

3. Áo nỉ lai chăn

Áo ni lai chăn Comfy của hai anh em Michael và Brian Speciale xuất hiện trên sóng Shark Tank Mỹ vào tháng 12/2017, chỉ vài tháng sau khi công ty của họ thành lập.

Họ miêu tả sản phẩm lai giữa một chiếc chăn và một chiếc áo nỉ, khi có thiết kế rộng thùng thình; nếu người dùng ngồi trên ghế sofa, phần tay áo và thân áo đủ che phủ toàn bộ cơ thể.

Hai nhà sáng lập cũng cho biết Comfy chỉ có một kích cỡ duy nhất nên phù hợp để sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, áo có thể mặc được cả hai mặt, giúp tăng tính linh hoạt và phong cách cho sản phẩm.

Như rất nhiều sản phẩm của Shark Tank, hai anh em nhà Speciale khiến dàn cá mập bật cười với ý tưởng mới này. Dù bị 3/5 Shark từ chối, Comfy vẫn nhận được 2 đề nghị rót vốn. Cuối cùng họ chốt với Shark Barbara Corcoran ở mức 50.000 USD cho 30% cổ phần.

Tuy nhiên bất ngờ hơn cả là chỉ sau khi lên song trong vòng 24 giờ, Comfy đã hoàn toàn cháy hàng. Không lâu sau đó, sản phẩm viral trên mạng xã hội và nhận được đơn đặt hàng từ hơn 70 quốc gia trên thế giới.

Với sự trợ giúp của Shark Barbara, Comfy nhanh chóng xuất hiện trong các chuỗi bán lẻ của Mỹ và cả trên Amazon.

Theo thông tin từ CNBC, đến nay Comfy là 1 trong 10 sản phẩm bán chạy nhất của Shark Tank Mỹ. Chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi ra mắt, Comfy đã đạt doanh thu 170 triệu USD.